Đang truy cập: 36
Hôm nay: 9,757
Hôm qua: 10,115
Tháng hiện tại: 73,468
Tháng trước: 274,248
Tổng lượt truy cập: 925,062
- Đang truy cập36
- Hôm nay9,757
- Tháng hiện tại73,468
- Tổng lượt truy cập925,062
Một trong những bệnh mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra là “bệnh phô trương”. Những mầm mống của “bệnh phô trương” tích tụ lâu ngày sẽ phát thành những “khối u”, gây nhức nhối xã hội, bào mòn sự liêm chính, nuôi dưỡng mầm mống tiêu cực, lãng phí và làm mọt ruỗng văn hóa công quyền. Vì vậy, phải nhận diện đầy đủ triệu chứng, vạch rõ nguyên nhân gây bệnh và kiên trì một cuộc “đại phẫu” để cắt bỏ những “khối u” nguy hại này đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Bài 1: Hệ lụy nhãn tiền từ bệnh phô trương
Những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Biểu hiện rõ nét nhất là kỷ cương, kỷ luật của Đảng được củng cố, tăng cường hơn trước; việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế bước đầu có tín hiệu khả quan; lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có sự thay đổi đáng kể, gần dân và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, bộ máy công quyền sẽ vận hành trôi chảy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nếu như chúng ta khắc phục được bệnh phô trương quyền lực vốn là một trong lực cản của quá trình đổi mới.
Biên chế dôi dư do phô trương quyền lực
Phô trương là sự phô ra, trưng bày quá mức để dễ được người khác chú ý, để lấy oai. Một trong những nghĩa của từ “bệnh” là “trạng thái tư tưởng không lành mạnh”. Từ đó có thể hiểu rằng, “bệnh phô trương quyền lực” là những suy nghĩ, thái độ, tư tưởng không đúng đắn về quyền lực, sử dụng quyền lực vượt qua giới hạn pháp lý, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của tổ chức, cá nhân và gây tác hại đến sự phát triển lành mạnh của thể chế và xã hội.
Một trong những triệu chứng dễ nhận biết của bệnh phô trương quyền lực trong thời gian qua là sự phát triển “nóng” của bộ máy công quyền. Cách đây 6 năm, phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI ngày 27-2-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: “Chúng ta nói mãi mà tổ chức cứ phình ra, bộ máy thì chồng chéo, biên chế thì tăng lên”.
Lời cảnh báo đó của người đứng đầu Đảng ta vẫn chưa được nhiều nơi tiếp thu nghiêm túc. Vì trong 5 năm (2011-2016), số đơn vị hành chính thuộc các bộ, ngành tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian. Theo quy định chung, cấp vụ cơ bản không biên chế cấp phòng, nhưng có tới 16 bộ, cơ quan ngang bộ vẫn duy trì 320 phòng trong vụ. Cả nước hiện có hơn 81.000 lãnh đạo từ cấp phó trưởng phòng đến thứ trưởng, chiếm gần 21,7% tổng số cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện. Báo cáo của Chính phủ cuối năm 2017 cho biết, cả nước thừa 57 nghìn biên chế.
Theo thống kê của Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), trong 30 năm (1986-2016), số đơn vị hành chính cấp huyện từ 431 đã tăng lên 713 (tăng 282 đơn vị); đơn vị hành chính cấp xã tăng từ 9.657 lên 11.162 (tăng 1.505 đơn vị). Nhưng theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có tới 36,3% số huyện và 55,4% số xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định về diện tích và quy mô dân số.
Thông qua vài con số trên phần nào cho thấy, một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy công quyền bị phình to là do lãnh đạo nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức đã bị “mắc” một bệnh rất nặng, đó là bệnh “phô trương quyền lực” nhằm khuếch trương vị thế cơ quan, đồng thời cũng là để “hút bầu sữa” ngân sách Nhà nước!
Một vấn nạn trầm kha được nhiều lần nhắc đến là không ít cán bộ lãnh đạo đã đưa “con ông cháu cha” vào các cơ quan quyền lực thuộc thẩm quyền của mình. Chỉ tính 3 năm gần đây, có hàng chục vụ việc cán bộ lãnh đạo thao túng quyền lực, bổ nhiệm người nhà, người thân quen của mình không đủ điều kiện, tiêu chuẩn bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc. Điển hình là ông Lê Phước Thanh bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015 vì thao túng công tác cán bộ, bổ nhiệm con trai giữ nhiều chức vụ trong thời gian ngắn; ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011-2016 bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng, vì trực tiếp ký bổ nhiệm hơn 30 cán bộ không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn; ông Trần Đình Mạnh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắc Nông mới đây cũng bị cách tất cả chức vụ trong Đảng từ năm 2008 đến 2020 do có nhiều nhiều sai phạm trong thời kỳ giữ chức Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (2008-2015), trong đó có việc bổ nhiệm con và em ruột chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn...
Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, bệnh khuếch trương vị thế cơ quan, phình to bộ máy, “cả họ làm quan”, “cả nhà giữ chức vụ”, “cấp ủy dòng họ”… không chỉ gây mọt ruỗng đạo đức công vụ, mà còn làm giảm uy lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền; đồng thời đó cũng là một trong những căn nguyên làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Bởi vì, chính những mối quan hệ thân hữu, dòng họ, gia đình trở thành “tấm bình phong” che đậy, bao bọc những khuyết điểm, vi phạm của người lãnh đạo. Vì thế, bệnh phô trương quyền lực trở thành một trong những lý do làm suy thoái đạo đức cán bộ, đảng viên và nguy cơ “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” cũng bắt đầu từ đó. Không những vậy, hệ lụy từ sự phát triển "nóng" của bộ máy công quyền khiến chúng ta đang phải tập trung giải quyết sự dôi dư của hàng vạn cán bộ, công chức và sẽ phải cần một thời gian dài nữa mới có thể giải quyết được.
BOX: Sự gia tăng nhanh số lượng huyện, xã trong 30 năm qua làm cho bộ máy các cơ quan Nhà nước ở địa phương ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Chi ngân sách Nhà nước tăng, do tăng biên chế và quỹ tiền lương, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc, tăng chi thường xuyên. Sự gia tăng này cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế-xã hội tầm vĩ mô, làm cho không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế-xã hội. (Ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ)
Khuếch trương vị thế, “đánh bóng” cá nhân
Quyền lực của cán bộ lãnh đạo thực chất là sự ủy quyền của Nhà nước, nhân dân và tổ chức giao cho. Nhưng thời gian qua, một bộ phận cán bộ lạm dụng quyền lực công để khuếch trương thanh thế, tức là phô bày vị thế, chức vụ cá nhân một cách lộ liễu, thậm chí mang động cơ vụ lợi.
Hành vi khuếch trương vị thế thường biểu hiện thời gian đầu nhận cương vị lãnh đạo mới thì nói hay, nói giỏi, diễn thuyết hùng hồn, thậm chí biết tìm cách “diễn” đúng lúc, đúng chỗ nhằm “đánh bóng” tên tuổi cá nhân, xây dựng “hình ảnh” bản thân trên báo chí, truyền thông, qua đó tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận bằng những phát ngôn “lấy lòng dân” mà thực chất chỉ là biểu hiện của chủ nghĩa dân túy. Công chúng chắc hẳn không quên một trong số ít bí thư cấp tỉnh trẻ nhất nước là ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thời gian đầu ở cương vị mới, ông đã có những phát ngôn “ấn tượng” như: “Không có “đại gia” nào có khả năng chi phối lãnh đạo thành phố”; “Ở Đà Nẵng công tác cán bộ rất được chú trọng, tuyệt đối không có chạy chức, chạy quyền”… Thế nhưng, những gì ông Nguyễn Xuân Anh nói lại trái ngược hẳn với những khuyết điểm, vi phạm của ông mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra và hậu quả là ông bị cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, bị cách chức Bí thư Thành ủy và bị bãi nhiệm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.
Sự khuếch trương vị thế của một số cán bộ lãnh đạo còn biểu hiện dưới nhiều hình thức, như: Dù không ham học, ham nghiên cứu, song vẫn muốn có nhiều bằng cấp, học hàm, học vị nhằm “tô son” cho lý lịch cá nhân để dễ bề thăng tiến và “lòe mắt” thiên hạ; thích cấp dưới nói hay, nói đẹp về mình, thậm chí ưa tâng bốc, muốn người khác bợ đỡ, nịnh nọt để thể hiện mình là “VIP” (người quan trọng); tìm cách lôi kéo sự ủng hộ, tung hô của báo chí, truyền thông trong những thời điểm quyết định với hy vọng “lọt vào mắt xanh cấp trên” nhằm được bổ nhiệm chức vụ cao hơn… Nếu không vì mục đích khuếch trương vị thế, có lẽ gần chục cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nhiều bộ, ngành không phải “ngậm ngùi” khi biết mình bị loại khỏi danh sách phong hàm giáo sư, phó giáo sư năm 2017 vì không đủ tiêu chuẩn!
Cách đây mấy năm, dư luận từng xôn xao về sự phô trương vị thế lộ liễu của một số quan chức ở tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ khi họ ghi chức danh “Cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy”, “Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố”… lên thiếp mời cưới của con. Hay như một số cán bộ lãnh đạo ở Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai, Công an huyện Giồng Riềng (Kiên Giang)… đã ký và phát “công văn dấu đỏ” tới nhiều nơi thông báo tang lễ người thân của mình. Sự phô trương trong cưới hỏi, tang gia của một bộ phận quan chức, nói như một chuyên gia văn hóa, đó không chỉ là biểu hiện của hành vi vụ lợi, mà còn là sự phô bày vị thế cá nhân một cách vô duyên, không đúng lúc, đúng chỗ, trái với phẩm chất cách mạng của người cộng sản!
Chưa dừng lại ở đó, cái bệnh khuếch trương vị thế của một bộ phận quan chức còn thể hiện việc thích đi xe công đẹp, thích ở nhà công vụ khang trang. Vì sau khi nhận chức vụ mới, một số cán bộ không chỉ yêu cầu sửa sang nhà công vụ, thay đổi bàn ghế, trang thiết bị trong phòng làm việc cho “hợp phong thủy”, hợp “vận mệnh, tướng số”; mà còn muốn nâng cấp, thay đổi cả xe công để đi lại cho thêm phần sang trọng!
Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước cho biết, sau khi rà soát, năm 2017 cả nước có 2.334 xe công dôi dư. Một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương có tình trạng thừa xe công so với định mức, chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp song vẫn mua sắm thêm xe công phục vụ công tác không đúng quy định. Việc một số cán bộ lãnh đạo đi xe vượt tiêu chuẩn quy định, dùng xe công phục vụ việc riêng khá tràn lan là biểu hiện của sự khuếch trương vị thế không cần thiết, gây lãng phí tài sản Nhà nước.
Sự khuếch trương vị thế của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã nói lên phần nào tâm lý háo danh vẫn còn khá nặng nề trong xã hội. Tâm lý này rất phổ biến trong quan chức phong kiến thời xưa. Hành vi khuếch trương vị thế thực chất là biểu hiện thích nổi trội trước đám đông, thích khoe mẽ quyền lực, thích người khác tung hô mình. Nếu không phòng chống, ngăn chặn bệnh khuếch trương vị thế cũng dễ làm cho cán bộ, đảng viên ảo tưởng về mình, từ đó có những thái độ, hành vi thiếu trong sáng, chuẩn mực, không phù hợp với đạo đức công vụ. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, nhưng Đảng mang bản chất và lợi ích tốt đẹp của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc. Điều đó đòi hỏi cán bộ lãnh đạo khi được Đảng và Nhà nước ủy quyền thì phải sử dụng quyền lực đúng mục đích, không được lạm dụng quyền lực nhằm khuếch trương vị thế xã hội, “đánh bóng” tên tuổi cá nhân vì động cơ vụ lợi. (PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng). |
(còn nữa)
THIỆN VĂN
Nguồn: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Đang truy cập: 36
Hôm nay: 9,757
Hôm qua: 10,115
Tháng hiện tại: 73,468
Tháng trước: 274,248
Tổng lượt truy cập: 925,062